Ngày gửi: 26/03/11 00:32 Thể loại : Bệnh cơ quan SD Lượt xem : 14/12648
"Tôi 24 tuổi. Hơn một tháng nay, ở dương vật tôi xuất hiện một vết loét dài khoảng 2 cm, rộng 0,5 cm phía sau quy đầu. Lúc đầu, da ở đây nhăn lại, sau đó lớp da mỏng bên ngoài phồng lên, bong ra. Ở phía trong, da thịt đỏ tấy, mềm, gây ngứa. Xin cho biết đó là bệnh gì, cách chữa như thế nào?".
Trả lời:
Hầu hết các vết loét ở bộ phận sinh dục đều là triệu chứng của các bệnh lây qua đường tình dục. Sau đây là một số dạng loét thường gặp nhất:
- Loét do giang mai: Giai đoạn 1 (mới nhiễm vi trùng được 3-4 tuần), loét thường xuất hiện ở bao quy đầu hoặc thân dương vật (ở đàn ông) và âm hộ, âm đạo, cổ tử cung (ở phụ nữ). Vết loét này nông, giống như một vết trợt, thường chỉ có một vết. Nền vết loét phẳng, hơi cứng, có màu đỏ, không có mủ, bờ vết loét nhẵn, hình tròn hay bầu dục. Đặc biệt, vết loét không đau và sẽ tự nhiên biến mất dù không điều trị gì. Do đó, người bệnh nhầm tưởng rằng bệnh đã khỏi trong khi vi khuẩn vẫn tồn tại trong cơ thể và bệnh sẽ phát triển sang giai đoạn 2. Cùng với vết loét, bệnh nhân còn bị sưng nổi hạch bẹn, nắn vào thấy di động, không đau và không làm mủ.
- Loét do bệnh hạ cam: Đây là bệnh do vi trùng, gây nhiều vét loét trên bộ phận sinh dục. Các vết này sâu hơn vết loét giang mai, đáy lởm chởm, bờ răng cưa, có mủ và đặc biệt rất đau. Cùng với loét, hạch bẹn cũng sưng to, đau. Sau một vài tuần, hạch có thể vỡ mủ, tạo nên những lỗ rò.
- Loét do herpet: Là bệnh do một loại virus gây nên. Ban đầu, trên da và niêm mạc bộ phận sinh dục xuất hiện các mụn nước nhỏ hình chùm nho, cảm giác ngứa, đau rát. Sau đó, các mụn này dập vỡ, tạo nên những vết loét trợt, nông, mềm. Vết loét có thể tự khỏi sau 2 tuần. Bệnh rất hay tái phát với những biểu hiện như lần đầu nhưng nhẹ hơn. Hai bên bẹn nổi hạch, đau nhưng không hóa mủ. Trong đợt phát bệnh đầu tiên, người bệnh có thể sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi.
Ngoài những vết loét điển hình trên, còn nhiều bệnh khác cũng gây loét mà chỉ thầy thuốc chuyên khoa mới có thể phân biệt và chẩn đoán chính xác được. Trong trường hợp của bạn, không thể dựa vào những thông tin nêu trong thư để chẩn đoán bệnh và cho thuốc điều trị. Bạn nên đến các chuyên khoa da liễu để được bác sỹ khám, cho xét nghiệm chẩn đoán và có kế hoạch điều trị.